Kiến Thức

Ethylhexyl Methoxycinnamate Là Gì? Có Tác Dụng Gì Trong Mỹ Phẩm?

Ngày nay, nhiều chất hóa học đã trở thành thành phần không thể thiếu trong kem chống nắng – trong đó có Ethylhexyl methoxycinnamate, chất này xuất hiện khá phổ biến nhờ khả năng hỗ trợ và bảo vệ làn da khỏi những tác động từ của ánh mặt trời và những tác động từ ô nhiễm môi trường như bụi bẩn và vi khuẩn.

Dù vậy, ít ai biết rõ Ethylhexyl methoxycinnamate là gì? Và liệu sử dụng kem chống nắng chứa thành phần Ethylhexyl Methoxycinnamate có an toàn cho làn da hay không? Trong bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cũng như kiến thức hữu ích về thành phần quen thuộc này.

Ethylhexyl methoxycinnamate là gì?

Ethylhexyl Methoxycinnamate hay còn được biết với nhiều cái tên khác nhau như:

  • Octyl Methoxycinnamate
  • Octinoxate (USAN)
  • (E)-3-(4-Methoxyphenyl) Prop-2-Enoic Acid
  • 2-Ethylhexyl Ester

Là một Este được hình thành từ việc kết hợp giữa Methoxycinnamic Acid và (RS) -2-Ethylhexanol ở dạng lỏng, chúng trong suốt, không màu và có đặc tính không hòa tan trong nước nhưng lại có khả năng hòa tan được trong dầu.

Hiện chúng đang là một thành phần thường xuất hiện trong một số kem chống nắng hóa học nhờ khả năng hấp thụ tia UVB trong khoảng bước sóng 280 – 320 nm với mức bảo vệ cực đại ở bước sóng là 310nm.

Hơn thế, thành phần này cũng được sử dụng phổ biến trong một số kem dưỡng, dầu gội, thuốc nhuộm, son dưỡng,..như một chất nhũ hóa nhờ khả năng giúp ổn định sản phẩm về mặt vật lý đặc biệt là khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài có tác động của ánh mặt trời.

Công dụng của Ethylhexyl methoxycinnamate là gì?

Là một thành phần chống nắng được sử dụng khá lâu đời, Ethylhexyl methoxycinnamate góp mặt trong các sản phẩm kem chống nắng và hoạt động như một “chiến binh” giúp bảo vệ làn da dưới tác động từ môi trường bên ngoài bao gồm cả ánh nắng mặt trời. Điển hình như:

  • Hấp thụ tia nắng UVB có hại trực tiếp từ mặt trời giúp bảo vệ làn da
  • Phân hủy và ngăn chặn các tia cực tím trên da, giảm bước sóng của các tia bức xạ
  • Khả năng hỗ trợ làn da tránh bị tổn thương từ những tác động của môi trường
  • Phục hồi và cải thiện tình trạng cháy nắng, sạm, nám trên làn da
  • Giữ vững hàng rào liên kết Collagen, cấu trúc Elastin cho da khi bị tác động, giảm tình trạng lão hóa
  • Bảo vệ tế bào và cấu trúc của da từ bên ngoài lẫn bên trong
  • Không để lại vệt trắng, dễ thẩm thấu nhanh vào da, rất phù hợp với làn da dầu
  • Về lâu dài nó còn có tác dụng ngừa sẹo, viêm, bỏng

Tuy nhiên tác dụng chống lại tia UVB của thành phần Ethylhexyl Methoxycinnamate được đánh giá là không quá tối ưu khi chúng chỉ bảo vệ da khỏi UVB nhưng không  thể chống lại được tia UVA (phạm vi 320 – 400 nm).

Mặt khác, Ethylhexyl methoxycinnamate cũng bị giới chuyên gia đánh giá là một thành phần không ổn định khi chúng tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Khảo sát cho thấy rằng chúng dễ bị mất tác dụng dần dần theo thời gian, thường cứ mỗi 35 phút tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng chúng sẽ mất đi 10% khả năng bảo vệ da SPF.

Vì vậy, để Ethylhexyl Methoxycinnamate được ổn định và cho phổ bảo vệ rộng hơn, ngày nay các nhà sản xuất cũng đã kết hợp Ethylhexyl Methoxycinnamate với các thành phần chống nắng khác như thành phần chống nắng thế hệ mới Tinosorb S để nâng cao hiệu quả sử dụng.

Ethylhexyl methoxycinnamate có an toàn hay không?

Có khá nhiều tranh cãi và đồn đoán xoay quanh độ an toàn của hợp chất hóa học Ethylhexyl methoxycinnamate như những lo ngại về biến đổi sinh hóa gây đột biến và sự chết của tế bào khi tiếp xúc với ánh mặt trời, tác hại lên hệ miễn dịch và tác động hiệu ứng nội tiết tố Estrogen, thúc đẩy sự sinh ra các gốc tự do có hại hay có một số nghiên cứu phát hiện thành phần này có khả năng gây ung thư.

Trên thực tế, hiện vẫn chưa có báo cáo nào về tác dụng phụ gây hại của Ethylhexyl Methoxycinnamate đối với làn da và sức khỏe người dùng.

Chỉ có những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sử dụng Ethylhexyl Methoxycinnamate ở hàm lượng và nồng độ cao, mức này cao hơn rất nhiều so với hàm lượng được con người sử dụng trong kem chống nắng hằng ngày.

Hơn nữa, nó lại được áp dụng trực tiếp vào tế bào da, hoặc được cho động vật ăn ở số lượng lớn trong phòng thí nghiệm.

Một nghiên cứu năm 2005 được công bố trên Skin Pharmacology and Physiology cũng kết luận rằng, Ethylhexyl Methoxycinnamate không thâm nhập vào da bên ngoài với nồng độ đủ để gây ra bất kỳ độc tính nào.

Bên cạnh đó, cũng có một số nghiên cứu trong phòng nghiệm và trên động vật cho rằng nó có thể gây ra hiện tượng tăng Estrogen nhưng điều này chưa dựa trên khảo sát hay chứng minh tác động của nó đối với con người.

Do đó, điều này không đủ chứng thực rằng chất này trong kem chống nắng có khả năng gây ung thư cho làn da hay những tác động gây hại khác của chúng khi sử dụng trong kem chống nắng.

Vì vậy các thành phần được sử dụng trên kem chống nắng cũng được xem là khá an toàn vì chúng luôn được kiểm định vô cùng chặt chẽ mới được đưa vào sử dụng.

Sử dụng Ethylhexyl methoxycinnamate như thế nào là an toàn?

Dưới đây là những lưu ý để sử dụng Ethylhexyl methoxycinnamate an toàn:

Nồng độ an toàn của Ethylhexyl methoxycinnamate trong kem chống nắng

Mặc dù chưa có nghiên cứu hay báo cáo nào kết luận sự nguy hại của Ethylhexyl Methoxycinnamate lên sức khỏe con người.

Tuy nhiên, nồng độ Ethylhexyl Methoxycinnamate được quy định trong kem chống nắng ở Mỹ là dưới 7,5% ở Mỹ và dưới 10% ở các nước châu Âu.

Do vậy, để được đảm bảo an toàn nhất, bạn chỉ nên chọn những sản phẩm kem chống nắng hóa học có nồng độ Ethylhexyl Methoxycinnamate dưới 7,5% là tốt nhất và chỉ nên tin dùng sản phẩm kem chống nắng từ các nhãn hàng uy tín như Paula’s Choice, Murad, Nu Skin, Clinique, Neutrogena, Origins, Elta MD, La Roche-Posay, Senka,…

Khuyến cáo đối tượng sử dụng sản phẩm kem chống nắng có chứa thành phần Ethylhexyl methoxycinnamate

Da dầu là lựa chọn hoàn hảo cho sản phẩm có chứa thành phần này nhờ khả năng thẩm thấu nhanh, lâu trôi và không để lại vệt trắng trên da sau khi sử dụng.

Tuy nhiên đối với loại da nhạy cảm, dễ bị kích ứng thì chỉ nên sử dụng dạng kem chống nắng vật lý có chứa thành phần Titanium Dioxide và Zinc Oxide nhằm mang lại hiệu quả tốt cũng như không để lại những rủi ro không đáng có cho làn da nhạy cảm.

Bên cạnh đó, để tránh những mối lo ngại tồn tại đối với Ethylhexyl Methoxycinnamate, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu hoặc trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi) cũng không nên sử dụng kem chống nắng hóa học mà chỉ nên sử dụng kem chống nắng vật lý hoặc sử dụng sản phẩm kem chống nắng có thành phần chống nắng chính là Tinosorb để đảm bảo tính an toàn tối ưu nhất.

Nhìn chung, dù ngày nay thành phần kem chống nắng đã vô cùng đa dạng và nhiều lựa chọn hơn, tuy nhiên Ethylhexyl Methoxycinnamate vẫn là một thành phần chống nắng lâu đời được nhiều hãng sản xuất tin dùng. Qua những thông tin trong bài viết này, hi vọng sẽ giúp các bạn nắm được các kiến thức cơ bản về thành này trong khi lựa kem chống nắng và cũng  yên tâm hơn khi sử dụng kem chống nắng có chứa thành phần Ethylhexyl Methoxycinnamate với nồng độ an toàn dưới 7,5%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *