Kiến Thức

Cetyl Alcohol Là Gì? Ứng Dụng Của Cetyl Alcohol Trong Ngành Mỹ Phẩm

“Cetyl Alcohol là gì?” có lẽ không khó để đưa ra được câu trả lời. Nhắc đến Alcohol chắc hẳn chẳng còn xa lạ gì bởi chúng xuất hiện hàng ngày bên cạnh chúng ta dưới nhiều loại hình sản phẩm đa dạng từ thực phẩm đến phi thực phẩm. Vậy Cetyl Alcohol thuộc nhóm nào và có ứng dụng gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Cetyl Alcohol là gì?

Trước khi định nghĩa về Cetyl Alcohol, chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái niệm “Alcohol là gì?”.

Alcohol

Alcohol (Ethanol hay rượu Ethyl) còn được gọi là cồn, là chất lỏng trong suốt, không màu, mùi thơm nhẹ và dễ cháy, tan vô hạn trong nước, có vị cay đặc trưng.

Alcohol được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực như:

  • Công nghiệp thực phẩm: đồ uống có cồn, nước gia vị tẩm ướp.
  • Dược phẩm và y học: điều chế thuốc ngủ, dung dịch sát khuẩn, sát trùng, dung dịch tẩy rửa và vệ sinh các dụng cụ y tế, nước rửa tay.
  • Mỹ phẩm: kem chống nắng, tẩy trang, toner, sữa rửa mặt, kem dưỡng, phấn nền, nước hoa…
  • Một số ngành khác: chất chống đông, dung môi nước hoa, công nghiệp in, dệt may…

Khác với cồn trong đồ uống, cồn trong mỹ phẩm được chia làm 2 loại là cồn khô và cồn béo.

  • Cồn khô (Drying Alcohol): thường được biết đến với các tên Ethanol, Methanol, Ethyl Alcohol, Alcohol Denat, Ancol Benzylic, Isopropyl Alcohol, SD Alcohol. Sản phẩm có chứa nhóm này cần cẩn trọng khi sử dụng bởi nếu dùng với nồng độ cao sẽ khiến lượng dầu và protein cần thiết trên da bị mất đi khiến da trở nên thô ráp và thiếu ẩm. Nặng hơn có thể gây kích ứng và khiến cho quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.
  • Cồn béo (Fatty Alcohol): được biết đến nhiều với các ứng dụng là cồn có ích trong mỹ phẩm, thông dụng và an toàn. Một số hợp chất cồn béo có trong mỹ phẩm như: Cetyl Alcohol, Cetearyl Alcohol, Myristyl Alcohol, Behenyl Alcohol và Stearyl Alcohol.

Cetyl Alcohol

Cetyl Alcohol là một loại cồn béo tồn tại dưới dạng sáp mảnh, hình khối hoặc hạt màu trắng đục, mùi không rõ ràng, vị nhạt, không tan trong nước, tan tự do trong Ethanol, Diethyl Ether, Ether, Acetone, Chloroform và Benzen, tan nhẹ trong Alcohol, độ tan tỉ lệ thuận với nhiệt độ.

Cồn béo Cetyl Alcohol có 2 dạng:

  • Dạng tự nhiên: có trong chiết xuất  dầu dừa, dầu cọ.
  • Dạng tổng hợp: là sản phẩm phụ thu được từ sản xuất dầu mỏ.

Dù là dạng nào thì cồn béo cũng đều lành tính, an toàn cho người sử dụng.

Ngoài tên gọi chính, Cetyl Alcohol còn có thể được gọi bởi các tên gọi khác như: Cetanol, Ethal, Ethol, Hexadecanol, Hexadecyl Alcohol, Palmityl Alcohol, Lipocol C, Vegarol 1695.

Ứng dụng của Cetyl Alcohol trong mỹ phẩm

Cetyl Alcohol được ứng dụng nhiều trong sản xuất mỹ phẩm nhờ vào khả năng làm mềm, làm ẩm, cùng các đặc tính nổi trội, an toàn và lành tính. Một lượng nhỏ cồn béo sẽ giúp làm dịu, duy trì độ ẩm và tăng độ đàn hồi cho da.

Cetyl Alcohol thường được dùng trong sản xuất các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc để ổn định công thức, tăng khả năng tạo bọt hay thay đổi tính nhất quán như: kem dưỡng, kem nền, lotion, kem chống nắng, nước rửa sơn móng tay, son môi, dầu gội, mascara, dầu gội, sữa tắm…

Chất làm mềm

Cồn béo tăng khả năng dưỡng ẩm, làm dịu và làm mềm da, cải thiện độ nhờn, kiểm soát bã nhờn, tạo hàng rào bảo vệ ngăn ngừa sự mất nước trên da giúp giảm thô ráp, loại bỏ dễ dàng da chết, hạn chế bong tróc.

Chất nhũ hóa

Giúp ổn định sản phẩm, giúp các pha phân tán đều, tránh lắng đọng và hạn chế tách lớp. Thêm vào đó, với khả năng kết hợp dầu với nước, chất nhũ hóa là thành phần không thể thiếu trong một số sản phẩm mỹ phẩm, có vai trò là chất chống trôi, giúp liên kết lớp dầu và lớp nước.

Cetyl Alcohol bao gồm đầu ưa nước (hướng đến pha nước) và đuôi kị nước (hướng đến pha dầu) giúp liên kết dầu – nước hiệu quả, làm giảm sức căng bề mặt và ổn định trên nhũ tương.

Chất hoạt động bề mặt

Có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt giữa hai chất lỏng hoặc giữa chất lỏng – chất rắn. Ngoài ra, chất hoạt động bề mặt còn có khả năng làm giảm dầu, nhũ hóa dầu, chất béo và loại bỏ bụi bẩn.

Nhờ đặc tính của phân tử phân cực, Cetyl Alcohol đóng vai trò là chất hoạt động bề mặt, thu hút dầu, bụi bẩn và bã nhờn tích tụ trên da giúp cho sữa rửa mặt có thể làm sạch dễ dàng và loại bỏ hoàn toàn các yếu tố gây hại cho da.

Chất đồng nhất

Phân tán các thành phần mỹ phẩm khác để trở thành một nguyên liệu đồng nhất. Hạn chế tách lớp.

Chất xúc tác

Cetyl Alcohol đóng vai trò như một chất xúc tác giúp tăng khả năng hấp thu và thẩm thấu của sản phẩm vào da một cách nhanh chóng, mang đến hiệu quả cao và lâu dài.

Chất làm đặc

Cetyl Alcohol là chất làm đặc đa dụng không tạo gel, làm dày và tạo độ sánh mà không làm ảnh hưởng đến tính chất các thành phần khác.

Ngoài 6 đặc tính trên, Cetyl Alcohol còn có tác dụng loại bỏ mùi khó chịu gây ra bởi các thành phần khác trong mỹ phẩm, giúp sản phẩm có hương dễ chịu hơn.

Cetyl Alcohol có an toàn không?

Cồn được sử dụng rất nhiều trong sản xuất mỹ phẩm, bao gồm cả cồn khô và cồn béo.

Cồn khô nếu sử dụng ở một lượng vừa phải cũng sẽ có tác dụng tốt nhất định như: cải thiện khả năng hấp thụ mỹ phẩm nhanh chóng và hiệu quả hơn, tăng tính thấm hoạt chất qua da, giúp kết cấu của sản phẩm nhẹ hơn nhờ vào đặc tính dễ bay hơi. Nhưng nếu  dùng một cách lạm dụng sẽ gây khô và bong tróc da, nặng hơn có thể bị kích ứng.

Được xếp trong nhóm các loại hợp chất thân thiện với làn da, cồn béo nói chung hay Cetyl Alcohol nói riêng là hợp chất hoàn toàn an toàn và lành tính, không gây kích ứng da.

FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã công nhận Cetyl Alcohol thuộc danh sách chất phụ gia an toàn cho thực phẩm.

CIR (Hội đồng chuyên gia đánh giá thành phần mỹ phẩm) đã kết luận Cetyl Alcohol an toàn, không gây kích ứng, không độc hại khi sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lại cho rằng các loại rượu béo tổng hợp nói chung bao gồm cả Cetyl Alcohol có khả năng làm thay đổi lớp Lipid kép của lớp biểu bì, gây kích ứng và phản ứng dị ứng trên da nhạy cảm.

Đánh giá chung, Cetyl Alcohol hoàn toàn an toàn trong mỹ phẩm. Làn da nhạy cảm không chỉ nhạy cảm riêng với Cetyl Alcohol mà rất dễ bị kích ứng với mỹ phẩm nói chung, chính vì thế các bạn có làn da nhạy cảm nên cân nhắc khi sử dụng sản phẩm có chứa cồn.

Hợp chất tương tự

Stearyl Alcohol có nguồn gốc từ dầu dừa, cũng đóng vai trò là một chất làm mềm, chất nhũ hóa có thể thay thế cho Cetyl Alcohol trong các công thức chăm sóc da. Stearyl Alcohol chủ yếu được sử dụng trong sản xuất kem dưỡng, chất bôi trơn, dầu dưỡng và kem tẩy lông.

Trên đây là tất tần tật những điều bạn cần biết để trả lời cho câu hỏi “Cetyl Alcohol là gì?”. Một số bạn hay đánh đồng quan điểm rằng cồn thì không tốt cho da mà lại không đủ sâu sắc để hiểu rằng cồn cũng có cồn “this”, cồn “that”. Thông qua bài viết này, hy vọng các bạn có thể tham khảo thêm được nhiều kiến thức và tự tin mà nói “Sản phẩm có chứa cồn béo cũng là một lựa chọn không hề tồi tệ”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *